ĐA CHIỀU - BÀN LUẬNTháng 02, 2024

[ĐCBL] Dedollarisation: Liệu có khả thi?

YESYoung Economics Scientists


Từ lâu đồng đô-la Mỹ đã trở thành đồng tiền mạnh nhất thế giới với độ tin cậy và tính thanh khoản trong thương mại quốc tế luôn ở mức cao. Đồng USD hiện chiếm tới trên 90% khối lượng giao dịch toàn cầu. Tuy nhiên, một chuỗi sự kiện bất lợi đã và đang diễn ra. Tổng thống Brazil kêu gọi thiết lập một đồng tiền chung cho khối BRICS, trong khi đó, Nga và Trung Quốc nhất trí sử dụng đồng Nhân dân tệ và Rúp thay cho USD trong thương mại song phương,… Điều gì đang diễn ra? Phải chăng vị thế độc tôn của đồng đô-la Mỹ đang lung lay dữ dội? Liệu đồng bạc xanh có bị soán ngôi bởi một đồng tiền khác trong thương mại quốc tế, điều chưa từng có tiền lệ trong suốt 5 thập kỷ qua?


Vị thế tuyệt đối của Đồng Đô-la Mỹ từ đâu mà có ?


Năm 1971, nợ công của Mỹ cao kỷ lục do Chiến tranh Việt Nam đang ở giai đoạn căng thẳng, dự trữ vàng của Mỹ ở mức thấp nhất trong lịch sử, đẩy hệ thống Bản vị vàng đến giới hạn của nó. Đứng trước nguy cơ đồng USD sụp đổ hoàn toàn, tổng thống Mỹ đương nhiệm Richard Nixon đã có quyết định đầy táo bạo: Chấm dứt hệ thống Bản vị vàng. Giới tinh hoa Nhà Trắng khi đó đủ khôn ngoan để nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của dầu mỏ với kinh tế thế giới, và đối tượng họ nhắm đến là Saudi-Arabia. Và thế là thoả thuận Mỹ-Saudi Arabia ra đời. Theo đó, Mỹ sẽ bảo vệ Saudi Arabia khỏi sự tấn công của Israel. Đổi lại, Saudi Arabia phải từ chối tất cả các đồng tiền khác ngoại trừ USD trong giao dịch dầu mỏ, và khoản ngoại tệ sau khi bán dầu mỏ phải được đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ. Năm 1975, toàn bộ OPEC cũng đều thực hiện 2 điều khoản này để đổi lấy cam kết của Mỹ. Từ đó đến nay, ảnh hưởng của đồng bạc xanh không ngừng gia tăng, trở thành đồng ngoại tệ mạnh nhất thế giới. Hiện nay, 58% lượng dự trữ của các ngân hàng trung ương là đồng tiền này, so với con số 20% và 3% lần lượt của đồng Euro và Nhân dân tệ.


Nguồn cơn cho tiến trình 'Dedollarisation'


Trong suốt thời gian đại dịch COVID-19, nước Mỹ đóng vai trò như ‘vị cứu tinh’ khi in ra những khoản USD khổng lồ để cứu vãn kinh tế thế giới. Tuy nhiên đó lại là con dao hai lưỡi khi đại dịch kết thúc, lạm phát tăng phi mã khiến FED và ECB buộc phải tăng lãi suất, đi kèm nguy cơ suy thoái kinh tế. Hơn nữa, vụ ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank sụp đổ vừa qua đã khiến niềm tin của các nhà đầu tư vào tính ổn định của đồng USD phần nào hao mòn. Tuy nhiên, rủi ro chính trị từ đồng đô-la Mỹ chính là điều khiến các quốc gia lo ngại nhất. Chúng ta đều biết kinh tế Nga đã khó khăn như nào khi bị Mỹ loại ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối,…vì cuộc xung đột tại Ukraine. Các quốc gia khác lo ngại rằng họ cũng sẽ rơi vào thái cực tương tự nếu như đi ngược lại với chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong một thế giới đa cực như hiện nay, việc quá phụ thuộc vào một ngoại tệ duy nhất trong thương mại quốc tế (ở đây cụ thể là đồng USD) khó lòng được các quốc gia chấp nhận, thay vào đó việc đa dạng hóa nguồn ngoại tệ trong giao dịch để bảo đảm sự độc lập về chính trị và giảm thiểu rủi ro tài chính là ưu tiên của hầu hết các nước.


Tương lai nào cho Dedollarisation ?


BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi, Trung Quốc), tổ chức chiếm tới 36% GDP toàn cầu, được thành lập mà một trong những mục tiêu là đánh đổ đế chế Petrodollar. Chiến lược của họ là thành lập một ngân hàng trung ương của riêng mình, thiết lập một đồng tiền mới thay thế USD. Tuy nhiên, hai nền kinh tế lớn nhất trong khối là Trung Quốc và Ấn Độ lại có mối quan hệ không mấy tốt đẹp do xung đột biên giới kéo dài. Ngoài ra, hệ thống pháp lý, luật lệ cũng là một rào cản lớn. Ngay cả Liên minh Châu Âu (EU), một tổ chức quy mô lớn với hệ thống tài chính minh bạch và tin cậy, nguy cơ lũng loạn tiền tệ gần như không có cũng phải mất cả thập kỷ để hoàn thiện hệ thống pháp lý cho Ngân hàng Trung ương ECB của họ. Chính vì vậy mà BRICS nếu có thể thiết lập một đồng tiền chung mới thì điều đó chỉ xảy ra ở tương lai xa, chưa thể đoán định.


Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir V. Putin đã tiến hành đòn tấn công đầu tiên (First Strike) mang tên “Golden Tsar” nhằm vào “hệ thống Petrodollar” của Mỹ. Golden Tsar bao gồm việc tìm kiếm các đối tác mua dầu mỏ và khí đốt không bằng đồng USD. Điều này thực sự đã thu hút sự quan tâm của Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Các thỏa thuận thương mại cho phép dầu mỏ và khí đốt Nga được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ và Rupee. Golden Tsar có tiềm năng làm suy yếu Petrodollar bởi lẽ, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc và Ấn Độ là rất lớn, họ được hưởng lợi từ nguồn cung dầu giá rẻ của Nga. Điều này hoàn toàn có thể thu hút các quốc gia khác từ bỏ đồng USD và chuyển sang sử dụng đồng rúp, Nhân dân tệ hay Rupee để mua dầu mỏ từ Nga. Tuy nhiên, với vị thế quốc tế của ba cường quốc Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, đương nhiên mỗi nước đều muốn đồng tiền của mình trở nên mạnh hơn. Do đó nếu không cân bằng được lợi ích giữa các bên, rất có thể xung đột chính trị sẽ xảy ra và tiến trình phi đô-la hóa sẽ giậm chân tại chỗ.


Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách thực tế. Đồng đô-la Mỹ đã là cột trụ trong thanh toán quốc tế từ năm 1971, và cho đến nay đây vẫn là đồng tiền có thanh khoản cao nhất trong giao dịch thương mại. Hơn nữa, sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ là hết sức ưu việt mà không hệ thống tài chính nào sánh ngang với tính minh bạch, rõ ràng, suất sinh lời cao và độc lập với chính phủ. Có thể nói đây vẫn là hệ thống tài chính vô cùng tin cậy, thu hút dòng tiền đầu tư khổng lồ. Chính vì vậy, tiến trình phi đô la hóa khó lòng thực hiện trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, với độ mở kinh tế toàn cầu trong một thế giới đa cực như ngày nay, điều đó vẫn sẽ tiếp tục diễn ra như một hệ quả tất yếu.


Tạm kết


Tiến trình phi đô-la hóa đang là mối quan tâm sâu sắc của nhiều chính phủ các quốc gia trong thời gian gần đây. Nếu như việc giảm thiểu ảnh hưởng của đồng USD tới thương mại quốc tế có thể nâng cao tính ổn định của kinh tế thế giới và ổn định chính trị, điều đó cần phải diễn ra như cách nó đang được tiến hành. Liệu Dedollarisation có thành hiện thực hay không? Và theo cách nào? Câu trả lời đang nằm ở tương lai.


- 𝑯𝒖̛́𝒂 𝑯𝒖̛𝒏𝒈 𝑩𝒊̀𝒏𝒉 -


---------------------------------------------------------

𝐁𝐀̉𝐍 𝐓𝐈𝐍 𝐒𝐈𝐍𝐇 𝐕𝐈𝐄̂𝐍 𝐍𝐆𝐇𝐈𝐄̂𝐍 𝐂𝐔̛́𝐔 𝐊𝐇𝐎𝐀 𝐇𝐎̣𝐂 𝐘𝐄𝐒𝐍𝐄𝐖𝐒

CLB Sinh viên Nghiên cứu Khoa học YES - ĐH Kinh tế Quốc dân.

Xem số báo mới nhất tại: https://yesneu.com/paper

Đăng ký nhận Yesnews hàng tháng: https://forms.gle/jFniU76nF7sipKEe7

Mọi ý kiến đóng góp xin liên hệ: yesnews.neu@gmail.com

-------------------------------------------------------------------------

𝐂𝐋𝐁 𝐒𝐈𝐍𝐇 𝐕𝐈𝐄̂𝐍 𝐍𝐆𝐇𝐈𝐄̂𝐍 𝐂𝐔̛́𝐔 𝐊𝐇𝐎𝐀 𝐇𝐎̣𝐂 𝐘𝐄𝐒 - trực thuộc Đoàn Thanh niên trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Phòng Quản lý Khoa học trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Địa chỉ: Phòng 121, Nhà 11, KTX ĐH Kinh tế Quốc dân

Fanpage: https://www.facebook.com/yesclubneu/

Website: https://yesneu.com/

Tiktok: https://www.tiktok.com/@yesclubneu

Email: yesclub.neu@gmail.com

Hotline: 085 9596919 (Ms. Yên Đan)

Bài viết cùng chuyên mục