YES TELLINGTháng 03, 2024

[𝐘𝐄𝐒 𝐓𝐄𝐋𝐋𝐈𝐍𝐆] Đại chiến thương hiệu: Nhượng quyền thương mại trong ngành F&B.

YESYoung Economics Scientists


Phần 1: Tổng hợp một số bài nghiên cứu cùng chủ đề.

(tổng quan)


Theo Điều 284 Luật Thương mại 2005, nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, ở đó đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền. Hiện nay, mô hình kinh doanh này đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết và dần trở thành xu hướng ở thị trường Việt Nam, đặc biệt trong ngành F&B.


Nhượng quyền F&B (Food & Beverage), là lĩnh vực thương mại trong thị trường công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống đang khởi sắc tại Việt Nam. Mặc dù đã xuất hiện nhiều thương hiệu nhượng quyền trong lĩnh vực này, tiêu biểu như trà chanh hay mì cay, chúng đều sớm bị bão hòa và mất đi vị thế của mình.


Để hiểu rõ hơn về chủ đề này, hãy cùng YES khai thác 4 bài nghiên cứu liên quan dưới đây nhé!



Bài 1: The Effect of Franchisor Inputs on the Performance of the Franchisees in Food and Beverage Industry.

(Tạm dịch: Tác động của đầu vào từ bên nhượng quyền đến hiệu suất của người được nhượng quyền trong ngành Công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống.)

Tác giả: Zaw Win Latt

Năm xuất bản: 2019


Tóm tắt:


Mục đích của bài nghiên cứu là đánh giá tác động ảnh hưởng của đầu vào bên nhượng quyền như giá trị thương hiệu, đào tạo, chuyển giao kiến thức, hỗ trợ vận hành, giao tiếp và phản hồi, tính toàn vẹn trong hợp đồng, sự tin cậy và hỗ trợ tài chính ở từng cấp độ khác nhau đến hiệu quả hoạt động của bên nhận nhượng quyền trong ngành dịch vụ ẩm thực và ăn uống, một trong những lĩnh vực kinh doanh quan trọng nhất và phổ biến gần đây ở Myanmar. Trong bài nghiên cứu, 57 người được nhượng quyền là chủ sở hữu, tổng giám đốc và giám đốc chi nhánh từ 132 doanh nghiệp nhượng quyền tại Yangon được khảo sát bằng cách trả lời bảng câu hỏi.


Tổng quan nghiên cứu:


Spinelli và Birley (1998) chỉ ra sự hiểu biết của bên nhận quyền về mức độ hợp tác, giao tiếp, phối hợp và cam kết của bên nhượng quyền có thể làm giảm sự khác biệt trong mục tiêu và mức độ mâu thuẫn của họ. Sengun và Wasti (2011) lập luận rằng suy nghĩ của bên nhận quyền về mối quan hệ của họ với bên nhượng quyền có thể xây dựng hoặc phá vỡ kết quả hoạt động nhận quyền. Vì vậy, nhượng quyền thương mại là một mối quan hệ lâu dài, liên tục và phức tạp (Huang và cộng sự, 2007), cần phải hiểu suy nghĩ, ý kiến của bên nhận quyền về giá trị mối quan hệ của bên nhượng quyền và bên nhận quyền (Harmon và Griffiths, 2008, Davies và cộng sự, 2011). Bằng cách ngăn chặn xung đột và cải thiện sự hợp tác, suy nghĩ của bên nhận quyền về mối quan hệ sẽ ảnh hưởng tích cực đến kết quả của việc nhượng quyền kinh doanh (Chen, 2011; Huang và cộng sự, 2007). Mayo, Robicheaux và Ferrell (1989) cho rằng sự hài lòng của bên nhận quyền có thể liên quan đến ý định tích cực sau khi nhận nhượng quyền. Họ nhận thấy rằng nếu hợp đồng có liên quan tích cực đến sự hài lòng của bên nhận quyền, thì bên nhận quyền cam kết giới thiệu đầu tư nhượng quyền cho người khác và đầu tư vào đơn vị nhượng quyền của họ. Morrison (1996) cho rằng ba yếu tố chính có ảnh hưởng tích cực đến sự hài lòng của bên nhận quyền bao gồm: sự hỗ trợ của bên nhượng quyền đáp ứng mong đợi của họ, sự kỳ vọng được đáp ứng về đặc điểm hoạt động và sự công bằng trong các hạn chế của bên nhượng quyền.


Kết quả:


Về giá trị thương hiệu, các bên nhận quyền đều cho rằng giá trị thương hiệu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ vì người tiêu dùng thường nhìn vào giá trị thương hiệu. Hầu hết các bên nhận quyền đều cho biết rằng họ nhận được sự hướng dẫn đúng đắn từ bên nhượng quyền trong việc đào tạo và chuyển giao kiến thức; họ nhận được các khuyến nghị và đề xuất liên quan đến hoạt động trong hỗ trợ vận hành; họ đều có ý kiến tích cực ở mức độ vừa phải đối với việc giao tiếp và trao đổi từ các nhà nhượng quyền và hầu hết những người được hỏi đều cho rằng các thỏa thuận trong hợp đồng là công bằng, tất cả các bên đều tuân theo. Tuy nhiên, các bên nhận quyền không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ bên nhượng quyền trong những tình huống khó khăn.


Hầu hết những người được khảo sát đều cảm thấy hài lòng với mô hình nhượng quyền thương mại vì nhìn chung các yếu tố đầu vào của bên nhượng quyền đều có lợi cho bên nhận quyền, đặc biệt là hỗ trợ vận hành, chuyển giao kiến thức và giá trị thương hiệu. Trong đó, hỗ trợ vận hành có đóng góp đáng kể nhất trong việc nâng cao hiểu biết thực sự của bên nhận quyền.


Hàm ý và khuyến nghị:


Nghiên cứu này chỉ tập trung đầu vào của các doanh nghiệp nhượng quyền ở Myanmar, xét về mặt hiệu quả hoạt động của bên nhận quyền, không bao gồm các yếu tố khác, chẳng hạn như chiến lược tiếp thị hỗn hợp hoặc chất lượng dịch vụ của bên nhận quyền. Để nhìn nhận một cách khái quát về ngành nhượng quyền, cần nghiên cứu sâu hơn, nên tập trung vào các yếu tố tiếp thị và chất lượng dịch vụ trong các lĩnh vực khác nhau và các vị trí địa lý khác nhau.



Bài 2: Franchising and the Internationalization of businesses: the case of fast food chains.

(Tạm dịch: Nhượng quyền và việc quốc tế hóa doanh nghiệp: trường hợp của các chuỗi thức ăn nhanh)

Tác giả: Fadil Alnassar

Năm xuất bản: 2017


Tóm tắt:


Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu vai trò của nhượng quyền thương mại trong quá trình quốc tế hóa trong nền công nghiệp đồ ăn nhanh (Fast food industry). Bài viết đưa ra giả định rằng nhượng quyền thương mại là một cách hiệu quả để tăng tổng thu nhập của các doanh nghiệp đồ ăn nhanh trong quá trình quốc tế hóa. Giả định của bài nghiên cứu này sẽ được kiểm định sử dụng phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính (Linear regression analysis) đồng thời phân tích sẽ nghiên cứu mối quan hệ giữa doanh thu (Revenues) với số lượng chi nhánh nhượng quyền cũng như số lượng nhân sự. Lấy kết quả dữ liệu từ 15 chuỗi đồ ăn nhanh nằm trong danh sách 100 nhà nhượng quyền thương mại hàng đầu của năm 2017, nghiên cứu đã chỉ ra sự kết nối giữa quyết định nhượng quyền thương mại quốc tế với sự tăng trưởng về tổng doanh thu và chứng minh giả định đã đặt ra trước đó.


Tổng quan nghiên cứu:


Trong vòng 40 năm qua, Dixon và Quinn (2004) đã chỉ ra rằng việc nhượng quyền thương mại được cho là một chiến lược kinh tế cho sự phát triển và phân chia việc nhượng quyền thương mại ra làm 2 hình thức chính: Nhượng quyền sản phẩm và tên thương mại (Trade-name Franchising) và Nhượng quyền mô hình kinh doanh (Business-format Franchising).


Trong nhượng quyền thương hiệu, bên nhận quyền được phép phân phối sản phẩm/dịch vụ hoặc sử dụng nhãn hiệu thương mại để đổi lấy một số tiền mà họ trả cho bên nhượng quyền. Trong nhượng quyền thương mại theo hình thức kinh doanh, bên nhận quyền giao toàn bộ phương thức kinh doanh cho bên nhượng quyền.


Theo Khan (2016), nhượng quyền thương mại theo hình thức kinh doanh dường như đã trở thành tiêu chuẩn trong ngành thức ăn nhanh, nó mang lại nhiều lợi ích cho cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền, người sau bị thu hút bởi nó vì nó cung cấp cho họ một kế hoạch kinh doanh đã được làm rõ, đào tạo chuyên nghiệp và hỗ trợ kỹ thuật. Các nhà nhượng quyền Hoa Kỳ bị thu hút bởi thị trường toàn cầu vì họ nhìn thấy ở đó ba yếu tố thiết yếu dẫn đến thành công trong kinh doanh: sự tồn tại của người tiêu dùng trung lưu khao khát sản phẩm/dịch vụ của họ, môi trường kinh doanh an toàn và thuận lợi và nhà đầu tư sẵn sàng (Affes, 2016).


Kết quả nghiên cứu:


Doanh thu trên mỗi đơn vị nhượng quyền và số lượng quốc gia có tỷ lệ tương quan cao trong phân tích, mối tương quan này cho thấy rằng công ty càng tiếp cận được nhiều quốc gia thì doanh thu của công ty sẽ càng cao. Phương thức quốc tế hóa mà các chuỗi thức ăn nhanh theo đuổi là nhượng quyền thương mại. Theo mô hình kinh doanh này, các công ty thức ăn nhanh quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài như một cách để nâng cao khả năng cạnh tranh và đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu. Việc lựa chọn nhượng quyền thương mại như một phương pháp quốc tế hóa được kích hoạt bởi những lo ngại về quản lý rủi ro. Khi bên nhượng quyền tập trung vào việc cải thiện mô hình kinh doanh tại đất nước của họ, bên nhận quyền sẽ giúp quốc tế hóa phương thức kinh doanh và thúc đẩy doanh thu kinh doanh cho công ty mẹ. Nhượng quyền thương mại cho phép bên nhượng quyền hoạt động với mức vốn thấp hơn.


Hàm ý và khuyến nghị:


Dưới góc nhìn của một nhà nhượng quyền, kết quả của nghiên cứu đã ngầm khẳng định rằng việc nhượng quyền thương mại là một yếu tố quan trọng trong quá trình quốc tế hóa. Mô hình nhượng quyền thương mại dường như đã trở thành một chiến lược phù hợp nhất trong việc phát triển chuỗi đồ ăn nhanh. Dưới góc nhìn của một chủ sở hữu doanh nghiệp được nhượng quyền, mô hình này cung cấp cho doanh nghiệp một con đường rõ ràng và chuyên nghiệp trong quá trình đào tạo cũng như sự hỗ trợ về kỹ thuật. Ngoài ra, bên nhượng quyền bị thu hút bởi thị trường thế giới vì họ thấy được 3 yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của một doanh nghiệp, đó là: tiếp cận được các khách hàng tiềm năng ở tầng lớp trung lưu, môi trường kinh doanh thuận lợi và luôn có các khoản đầu tư từ bên ngoài.


Hơn thế nữa, chuỗi dịch vụ đồ ăn nhanh cần phải nên cân nhắc về giả định văn hóa trong mục tiêu liên quan tới phát triển thành chuỗi quốc tế. Những giả định đó nảy sinh ra ở các quá trình quốc tế hóa khác nhau. Một cái nhìn đúng đắn về động lực lựa chọn đối tác, sự cân nhắc cẩn thận các tiêu chí như văn hóa, giá trị của tổ chức,... sẽ mở rộng kinh nghiệm nhượng quyền cũng như giúp cho doanh nghiệp mở rộng phạm vi hoạt động ra các khu vực khác trên thế giới.



Bài 3: Evidence of franchising on outperformance in the restaurant industry.

(Tạm dịch: Bằng chứng cho thấy nhượng quyền thương mại tạo ra hiệu suất vượt trội trong ngành công nghiệp nhà hàng)

Tác giả: Nan Hua, Michael C. Dalbor

Năm xuất bản: 2013


Tóm tắt:


Các bài nghiên cứu trước đây đã tìm ra rằng việc nhượng quyền thương mại trong hệ thống các nhà hàng có những ảnh hưởng tích cực về mặt tài chính của nó trong một khoảng thời gian nghiên cứu tương đối ngắn, cụ thể là khoảng dưới 10 năm. Kết quả của quá trình tìm hiểu đó đã để lại một câu hỏi mang tính cấp thiết, đó là: liệu rằng việc nhượng quyền thương mại, trong một khoảng thời gian dài, ảnh hưởng như thế nào tới các nhà hàng được nhượng quyền. Mục tiêu của bài viết này là để giải quyết câu hỏi nghiên cứu và đưa ra các hàm ý quản lý có liên quan.


Tổng quan nghiên cứu:


Vào năm 2009, Hsu và Jang đã đưa ra một quan điểm rõ ràng đó là việc nhượng quyền thương mại trong mọi lĩnh vực đều giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Mỹ và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nó trong tương lai. Alon (2001) đã chỉ ra 2 nguyên nhân chính hình thành nên nhượng quyền thương mại: sự khan hiếm trong nguyên liệu nguồn vốn thu được từ các doanh nghiệp được nhượng quyền. Ngoài ra kỹ năng quản lý và kiến thức về thị trường địa phương cũng rất quan trọng (Combs và Castrogiovanni, 1994). Norton (1988) cho biết việc trở thành bên được nhượng quyền thường được ưu tiên hơn vì bên nhượng quyền sẽ có các rủi ro lớn hơn so với đơn vị được nhượng quyền. Nếu như đơn vị được nhượng quyền có rủi ro trong kinh tế cao thì chủ doanh nghiệp sẽ không chấp nhận nhượng quyền và đi theo con đường riêng của họ (Martin 1988). Cuối cùng, Combs và Castrogiovanni (1994) đã chú ý rằng việc nhượng quyền chỉ là một chiến lược phát triển của các doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, dồi dào.


Lý do khác tạo động lực cho nhượng quyền thương mại là dựa vào lý thuyết đại diện( Alon, 2001; Mathewson và Winter, 1985). Minkler (1990) đã tìm ra bằng chứng để hỗ trợ cho luận điểm này. Tuy nhiên lý thuyết này cũng có một số mặt hạn chế chẳng hạn như nó không tính đến tư duy sáng tạo hay khả năng giải quyết các vấn đề của bên được nhượng quyền (Carney và Gedajlovic, 1991). Hơn nữa, theo Stanworth và Dandridge (1994), quyền lực của bên nhượng quyền dường như đã giảm do ngày càng nhiều các đơn vị được nhượng quyền xuất hiện. Việc nhượng quyền thương mại cũng đồng nghĩa với việc hạn chế và phân chia rủi ro (Combs và Castrogiovanni, 1994) và nghiên cứu của Cave và Murphy vào năm 1976 đã đưa ra các bằng chứng hỗ trợ ý kiến trên. Việc làm giảm rủi ro chi phí tiếp cận thị trường dường như không khả thi khi sở hữu hoàn toàn một đơn vị doanh nghiệp (Dahlstorm và Nygaard, 1994). Một số lý do thúc đẩy nhượng quyền khác là hoạt động của đơn vị được nhượng quyền khá đơn giản và có tính lặp lại, cũng như các kiến thức thông qua nhượng quyền cũng dễ dàng được truyền đạt lại hơn (Hoover và đồng nghiệp, 2003); đơn vị được nhượng quyền, trong một số trường hợp, có lợi nhuận vượt xa so với công ty nhượng quyền cho nó (Shelton 1967); lương trả cho nhân viên các đơn vị được nhượng quyền thường thấp hơn so với công ty chính (Krueger, 1991).


Có rất nhiều nghiên cứu tìm hiểu về ảnh hưởng của nhượng quyền thương mại ở các mặt khác nhau như nghiên cứu của Sen (1998) tìm ra một chiến lược quyết định đến mức độ tăng trưởng của ngành công nghiệp nhà hàng là nhượng quyền thương mại trong thời gian từ 1991 đến 1995. Lee (1999) đã khảo sát và chỉ ra rằng việc duy trì mối quan hệ giữa hai bên trong nhượng quyền thương mại quyết định sự thành công trong tài chính của doanh nghiệp. Hsu và Jang (2009) tìm ra một điều hết sức thú vị, đó là các đơn vị nhà hàng sử dụng phương pháp nhượng quyền thương mại thường có hiệu suất vượt trội hơn so với đơn vị không sử dụng phương pháp đó.


Kết quả nghiên cứu:


Thực hiện các thử nghiệm thực nghiệm trên tất cả các giai đoạn thử nghiệm kéo dài 10 năm kéo dài từ 1980-2010 với dữ liệu hàng quý, nghiên cứu này phát hiện ra rằng nhượng quyền thương mại là một cơ chế hiệu quả để vượt trội một cách có hệ thống và nhất quán so với các công ty không có nhượng quyền thương mại trong dài hạn và cung cấp bằng chứng thực nghiệm thuyết phục để trả lời câu hỏi câu hỏi nghiên cứu. Hơn nữa, các nhà hàng phục vụ hạn chế cũng có tác động nhất quán và tích cực đến hiệu quả tài chính của công ty trong dài hạn, cho thấy hoạt động phục vụ hạn chế cũng có hiệu quả trong việc nâng cao giá trị công ty và vượt trội so với đối thủ cạnh tranh.



Bài 4: Franchisors’ Relationship Marketing and Perceived Franchisor Support on Franchisors’ Performance: A Case of Franchise Food and Beverage in Thailand.

(Tạm dịch: Mối liên kết giữa tiếp thị mối quan hệ của bên nhượng quyền và sự hỗ trợ được nhận thức dựa vào hiệu suất hoạt động của bên nhượng quyền: Một nghiên cứu về nhượng quyền thực phẩm và đồ uống ở Thái Lan.

Tác giả: Khanungnit Hnuchek và cộng sự

Năm xuất bản: 2013


Tóm tắt:


Mục tiêu của nghiên cứu này được thực hiện để điều tra nhận thức của bên nhận quyền về hoạt động của bên nhượng quyền trong ngành thực phẩm và đồ uống nhượng quyền ở Thái Lan. Nghiên cứu xem xét các yếu tố dẫn đến nhận thức của bên nhận quyền về hoạt động của bên nhượng quyền và kiểm tra tác động trung gian của sự hỗ trợ của bên nhượng quyền đối với mối quan hệ của tiếp thị mối quan hệ với hoạt động của bên nhượng quyền.


Tổng quan nghiên cứu:


Nhóm đo lường hiệu suất hoạt động của bên nhượng quyền: theo S. Pekkola and J. Ukko (2011), các tổ chức đã sử dụng thước đo hiệu suất để triển khai hệ thống trong quản lý hợp tác giữa hai bên. Đồng thời, hiệu quả hoạt động của bên nhượng quyền được đánh giá bởi mối quan hệ giữa bên nhận và nhường quyền và sự hài lòng của bên nhận quyền. Việc bên nhận quyền đưa ra phản hồi về mức độ hài lòng bằng các đánh giá về các khoản chi phí và lợi ích nhất định khi mua và vận hành cửa hàng được nhượng quyền cũng như các dịch vụ hỗ trợ từ bên nhận quyền là yêu cầu liên tục do bên nhượng quyền cung cấp (N. Hing, 1995). Do đó, nhằm nâng cao sự hài lòng của bên nhận quyền về các dịch vụ do bên nhượng quyền cung cấp, các nhà nhượng quyền nên tập trung vào các khía cạnh cụ thể đặc biệt là về mức độ không hài lòng của bên nhận quyền và nhấn mạnh đến việc tiếp tục phục vụ bằng cách thiết kế một hệ thống phân phối hàng hóa hoặc dịch vụ phù hợp để giúp bên nhận quyền tiếp thị sản phẩm của mình nhằm cải thiện mối quan hệ giữa hai bên (H. R. Lozada, R. Hunter, and G. Kritz, 2003).


Nhóm tiếp thị mối quan hệ và hiệu suất hoạt động của bên nhượng quyền: Nhờ có chiến lược quan trọng trong việc thiết kế, duy trì và trong các tổ chức đa dịch vụ, tăng cường mối quan hệ với khách hàng, tiếp thị mối quan hệ có ý nghĩa quan trọng đối với người quản lý của công ty nhượng quyền và nâng cao sự hài lòng của bên nhận quyền (D. Ballantyne, M. Christopher, and A. Payne, 2003), (] V. Bordonaba-Juste, and Y. Polo-Redondo, 2008). Đặc biệt trong kinh doanh nhượng quyền, các khía cạnh quan trọng khác của tiếp thị mối quan hệ trong hệ thống nhượng quyền thương mại là sự tin cậy và giao tiếp để nhằm tạo ra giá trị giữa hai bên (M. T. Adjei, D. A. Griffith, and S. M. Noble, 2009). Vì vậy, sự hài lòng của bên nhận quyền đối với hệ thống nhượng quyền là một biến kết quả bị ảnh hưởng bởi mức độ uy tín và sự tin cậy đối với thành công của mối quan hệ giữa bên nhượng quyền bên nhận quyền (M. H. Dickey, D. H. McKnight, and J. F. George, 2007).


Nhóm nhận thức hỗ trợ đối với nhà nhượng quyền: theo tài liệu tiếp thị, tập trung vào nhận thức của khách hàng về dịch vụ và sản phẩm sẽ có ảnh hưởng đến hành vi mua hàng dài hạn (C. Grönroos, 2004). Giá trị cảm nhận của khách hàng trong tiếp thị mối quan hệ cần tập trung vào nhận thức của khách hàng để phát triển giá trị mối quan hệ giữa hai bên (A. Ravald and C. Grönroos 1996). Tuy nhiên, đặc biệt trong bối cảnh kinh doanh với các nghiên cứu về mối quan hệ kinh doanh có liên quan đến mối quan hệ hỗ trợ tổ chức (POS) được nhận thức giữa hai bên ( J. B. DeConinck, and J. T. Johnson, 2009). Sự hỗ trợ được công nhận của tổ chức sẽ dẫn đến sự hài lòng trong công việc và cam kết của tổ chức, đồng thời nâng cao hiệu suất hoạt động của tổ chức (N. F. Piercy, D. W. Cravens, N. Lane, and D. W. Vorhies, 2006). Những phát hiện của các nghiên cứu trước đây cho thấy sự hỗ trợ nhận thức về mặt tổ chức và sự hỗ trợ về mặt quản lý được công nhận đóng vai trò trung gian. Theo đó, kinh doanh nhượng quyền là sự trao đổi mang tính quan hệ giữa các bên dựa theo thỏa thuận hợp đồng và thể hiện niềm tin của bên nhận quyền nhận thức được mối quan hệ với bên nhượng quyền trong việc đưa ra quyết định kinh doanh để mỗi bên đều đạt được lợi nhuận bền vững (T. Harmon, and M. Griffiths, 2008). Do đó, dựa trên việc xem xét tài liệu, nghiên cứu này sẽ xác định sự hỗ trợ nhận thức tới bên nhượng quyền có liên quan đến sự hài lòng của bên nhận quyền và nâng cao hiệu suất của bên nhượng quyền, đồng thời có thể hỗ trợ việc kinh doanh liên tục.


Kết quả nghiên cứu:


Kết quả của nghiên cứu này đã xác định được phương hướng của các nhà nhượng quyền quản lý chặt chẽ bên nhận quyền. Phát hiện này có thể thấy rằng hỗ trợ kinh doanh liên tục có tác động trung gian đến mối quan hệ giữa tiếp thị mối quan hệ và hiệu quả hoạt động của bên nhượng quyền. Đồng thời, nó chỉ ra rằng bên nhượng quyền nên thúc đẩy hệ thống nhượng quyền và phát triển mối quan hệ tốt với các bên nhận quyền của họ. Hơn nữa, sự hỗ trợ của bên nhượng quyền là sự đóng góp trong hệ thống kinh doanh nhượng quyền. Vì vậy, nhà nhượng quyền trong ngành thực phẩm và đồ uống ở Thái Lan nên giải quyết vấn đề niềm tin và giao tiếp trong mối quan hệ với các bên nhận quyền. Có thể kết luận rằng cả sự tin cậy và giao tiếp đều là những yếu tố quan trọng mang lại sự hài lòng cho bên nhận quyền và là thước đo hiệu quả hoạt động của bên nhượng quyền.


Hàm ý và khuyến nghị:


Bài nghiên cứu trên đã chỉ ra các mối liên hệ giữa hiệu suất hoạt động và sự quan trọng của tiếp thị mối quan hệ giữa bên nhượng quyền và nhận quyền trong ngành thực phẩm và đồ uống, đồng thời chỉ ra một số phương hướng để hạn chế việc ngừng kinh doanh nhượng và nhận quyền ở Thái Lan. Tuy nhiên, đối với nghiên cứu trong tương lai, nên tiến hành nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ bên nhận quyền đã ngừng kinh doanh. Bởi vì nó có thể thể hiện hiệu quả hoạt động, sự uy tín và mối quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền.


------------------------------------------------------------------------------

𝐂𝐋𝐁 𝐒𝐈𝐍𝐇 𝐕𝐈𝐄̂𝐍 𝐍𝐆𝐇𝐈𝐄̂𝐍 𝐂𝐔̛́𝐔 𝐊𝐇𝐎𝐀 𝐇𝐎̣𝐂 𝐘𝐄𝐒 - trực thuộc Đoàn Thanh niên trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Phòng Quản lý Khoa học trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Địa chỉ: Phòng 121, Nhà 11, KTX ĐH Kinh tế Quốc dân.

Fanpage: https://www.facebook.com/yesclubneu/

Website: https://yesneu.com/

Tiktok: https://www.tiktok.com/@yesclubneu

Email: yesclub.neu@gmail.com

Hotline: 085 9596919 (Ms. Yên Đan)

Bài viết cùng chuyên mục