ĐA CHIỀU - BÀN LUẬNTháng 03, 2024

[ĐCBL] "BẪY" THU NHẬP TRUNG BÌNH: "KẺ THÙ" NGẤM NGẦM CỦA NỀN KINH TẾ

YESYoung Economics Scientists


Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới - World Bank, GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành là khoảng 4.284,5 USD (tăng 160 USD so với năm 2022), Việt Nam đang mấp mé tiến sát nhóm nước thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, những rào cản nội bộ và biến động quốc tế khiến Việt Nam có nguy cơ "sa vào bẫy" thu nhập trung bình. Cụ thể của vấn đề này là như thế nào, hãy cùng tìm hiểu với Yesnews nhé.


"Lằn ranh" nguy hiểm hay cơ hội bứt phá ?


Bẫy thu nhập trung bình (Middle Income Trap - MIT) là một hiện tượng trong phát triển kinh tế khi một quốc gia đạt đến một mức thu nhập bình quân đầu người nhất định (thường cao hơn mức thu nhập thấp nhưng thấp hơn mức thu nhập cao) và sau đó gặp khó khăn trong việc tiếp tục tăng trưởng và tiến lên nhóm quốc gia có thu nhập cao. Nói cách khác, quốc gia bị mắc kẹt trong "bẫy" thu nhập trung bình khi họ không thể nâng cấp nền kinh tế của mình để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao hơn. Điều này dẫn đến trì trệ kinh tế, tăng bất bình đẳng và giảm chất lượng cuộc sống.


Cũng theo các chuyên gia, đa số các nước trên thế giới khi chạm đến ngưỡng thu nhập trung bình cao thì tốc độ tăng trưởng chậm dần, nhiều bất ổn kinh tế xuất hiện mang tính cơ cấu rất khó giải quyết dứt điểm, trong khi lại phải đối mặt với nhiều vấn đề về già hoá dân số, an sinh xã hội, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên… Hệ quả là chỉ rất ít các quốc gia vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Theo GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, “Kinh nghiệm thế giới cho thấy, trong số 101 nước có mức thu nhập trung bình trong thập niên 1960, chỉ có 13 quốc gia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008”.


Tuy nhiên, bẫy thu nhập trung bình cũng có thể là cơ hội bứt phá. Thứ nhất, khi đối mặt với nguy cơ trì trệ kinh tế và tăng bất bình đẳng, các quốc gia buộc phải tìm kiếm những giải pháp mới để thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Quá trình này có thể dẫn đến những cải cách quan trọng trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, thuế, đầu tư và quản trị nhà nước.

Ngoài ra, nâng cao năng lực cạnh tranh là một yếu tố quan trọng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Để thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển các ngành công nghiệp có giá trị cao, quốc gia cần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng của người lao động, đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế cũng là một cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển và thu hút nguồn lực bên ngoài. Khi tham gia vào các tổ chức quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do, quốc gia có thể tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, thị trường mới và nguồn vốn đầu tư. Hợp tác quốc tế cũng giúp họ nâng cao năng lực quản trị và cải thiện môi trường đầu tư.


Những điều kiện tiên quyết để Việt Nam "né bẫy"


Vượt qua bẫy thu nhập trung bình là một thách thức lớn nhưng hoàn toàn có thể đạt được. Các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan đã thành công trong việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở thành những thu nhập trung bình cao. Việt Nam cũng đang nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình và hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Tại buổi toạ đàm đối thoại chính sách: “Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước thu nhập có trung bình cao trước năm 2030”, ông Phạm Hồng Chương đã nhấn mạnh: "Kinh nghiệm của Việt Nam từ những lần suy giảm kinh tế trước đây, từ khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 hay đại suy giảm toàn cầu 2008-2009, cho thấy không phải các chương trình kích cầu, đầu tư công mang lại thành tựu phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo mà cải cách thể chế kinh tế mới là chìa khoá".


Trước Việt Nam, Malaysia - quốc gia tương đồng thuộc nhóm thu nhập trung bình cao tương đương, cũng đã bước vào giai đoạn "vật lộn" để nâng cấp nền kinh tế thu nhập cao. Ông K.Yogeevaran, cựu Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và Hàng hoá Malaysia, nhận định: “Sai lầm của chúng tôi là đã chỉ tập trung vào giáo dục đại học, lơ là đào tạo nghề", và nhìn nhận rằng Việt Nam cũng đang gặp vấn đề này. Cựu Thứ trưởng cho biết Malaysia gặp rất nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế có thu nhập cao như tăng trưởng không đồng đều giữa các vùng, đầu tư vào công nghệ suy giảm, việc làm kỹ năng thấp và bất cân đối trên thị trường lao động, chi phí sống tăng lên…


"Dù Malaysia đã tiếp nhận nhiều FDI như Việt Nam nhưng chủ yếu là đầu tư vào công nghệ thấp, vào công trình vật chất, thay vì máy móc thiết bị", ông nói. Hay như chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cũng cho rằng, vấn đề của nền kinh tế hiện nay không phải là giải phóng sức lao động thông qua đẩy mạnh thu hút FDI trên cơ sở lao động giá rẻ như giai đoạn trước nữa. Thay vào đó, vì đa số người dân hiện nay đều có tài sản tích luỹ nên trọng tâm chính sách kinh tế trong giai đoạn mới phải làm sao để tài sản của người dân có thể tìm được những kênh đầu tư hiệu quả thông qua môi trường đầu tư an toàn.


Chia sẻ đòn bẩy chính sách để trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao với Việt Nam từ kinh nghiệm của Malaysia, ông K.Yogeevaran đưa ra 7 đầu mục. Thứ nhất là tăng cường vốn về con người, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp. Thứ hai là chuyển đổi sang các ngành phức hợp và giá trị cao trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ cho chế tạo và chế biến. Thứ ba là giải quyết chênh lệch thu nhập và bất cân đối vùng miền để phát triển bao trùm. Thứ tư là tăng cường bền vững môi trường qua tăng trưởng xanh. Thứ năm là cải cách thể chế và quản trị nhà nước. Thứ sáu là nâng cao năng suất. Và cuối cùng là đổi mới sáng tạo hướng đến thịnh vượng.


Ngoài ra, nếu không tạo ra một hành lang pháp lý an toàn để cho người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước sử dụng đồng tiền của mình hiệu quả hơn thì chúng ta sẽ vẫn dừng lại ở mức thu nhập trung bình thấp như hiện nay và rất khó có thể đạt đến ngưỡng thu nhập trung bình cao.


Tạm kết


Bẫy thu nhập trung bình là một thách thức lớn mà Việt Nam cần phải vượt qua để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao. Qua việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác đã thành công trong việc thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần phải có sự đồng lòng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Việc thực hiện các giải pháp cần phải được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả và có sự giám sát chặt chẽ để có thể đem lại hiệu quả tốt nhất.


- Chi Trần -


---------------------------------------------------------

𝐁𝐀̉𝐍 𝐓𝐈𝐍 𝐒𝐈𝐍𝐇 𝐕𝐈𝐄̂𝐍 𝐍𝐆𝐇𝐈𝐄̂𝐍 𝐂𝐔̛́𝐔 𝐊𝐇𝐎𝐀 𝐇𝐎̣𝐂 𝐘𝐄𝐒𝐍𝐄𝐖𝐒

CLB Sinh viên Nghiên cứu Khoa học YES - ĐH Kinh tế Quốc dân.

Xem số báo mới nhất tại: https://yesneu.com/paper

Đăng ký nhận Yesnews hàng tháng: https://forms.gle/jFniU76nF7sipKEe7

Mọi ý kiến đóng góp xin liên hệ: yesnews.neu@gmail.com

-------------------------------------------------------------------------

𝐂𝐋𝐁 𝐒𝐈𝐍𝐇 𝐕𝐈𝐄̂𝐍 𝐍𝐆𝐇𝐈𝐄̂𝐍 𝐂𝐔̛́𝐔 𝐊𝐇𝐎𝐀 𝐇𝐎̣𝐂 𝐘𝐄𝐒 - trực thuộc Đoàn Thanh niên trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Phòng Quản lý Khoa học trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Địa chỉ: Phòng 121, Nhà 11, KTX ĐH Kinh tế Quốc dân

Fanpage: https://www.facebook.com/yesclubneu/

Website: https://yesneu.com/

Tiktok: https://www.tiktok.com/@yesclubneu

Email: yesclub.neu@gmail.com

Hotline: 085 9596919 (Ms. Yên Đan)

Bài viết cùng chuyên mục