ĐA CHIỀU - BÀN LUẬNTháng 05, 2024

[ĐCBL] Vàng hóa nền kinh tế

YESYoung Economics Scientists


Vàng - vốn dĩ là biểu tượng cho sự thịnh vượng và an toàn tài chính, giờ đây lại trở thành nỗi lo cho nền kinh tế Việt Nam. Tình trạng "vàng hóa nền kinh tế" - việc người dân đổ xô mua vàng thay vì gửi tiền ngân hàng hay đầu tư vào các kênh sinh lời khác - đang ngày càng leo thang, tiềm ẩn những hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian gần đây, giá vàng nhẫn, vàng miếng đồng loạt tăng lên đáng kể, gây sức ép lớn lên nền kinh tế Việt Nam. Tại sao giá vàng lại tăng cao và vì sao lại có sự chênh lệch giá vàng lớn như vậy so với thế giới? Hãy cùng Yesnews tìm hiểu trong số ĐCBL lần này nhé!


Sự chênh lệch của vàng VN và vàng thế giới và Nghị định 24


Trước khi hiểu về Vàng hoá nền kinh tế, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem tại sao giá vàng Việt Nam và thế giới lại chênh lệch cao như vậy (khoảng hơn 20 triệu đồng). Lý do đầu tiên là do đa số lượng vàng ở nước ta là được nhập khẩu từ nước ngoài nên khi nhập vàng sẽ phải mất tiền cho các loại thuế, phí, sau đó nhập về rồi thì sẽ mất thêm tiền chế tác, kinh doanh,... Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nguyên nhân nhỏ của vấn đề lớn này, câu chuyện về giá vàng đến từ một vấn đề lớn hơn rất nhiều và liên quan mật thiết đến “Nghị định 24” (NĐ 24). Trước năm 2012 khi chưa có Nghị định, vàng được kiểm soát lỏng hơn rất nhiều và được coi là một loại hàng hoá thông thường. Lúc đó tồn tại rất nhiều các đối tượng tận dụng vàng để đầu cơ, thao túng giá, tung tin giả để thổi giá vàng. Bên cạnh đó còn có thêm cả các đối tượng làm giả. Nhập lậu vàng với mục đích trục lợi. Điều này khiến thị trường vàng bất ổn, tác động xấu đến vĩ mô nền kinh tế. Chính vì vậy, năm 2012, Chính phủ đã ban hành NĐ 24 quy định chặt chẽ các vấn đề về vàng. Nghị định quy định chỉ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được phép xuất nhập khẩu và sản xuất vàng miếng. Chính sách này đã hoạt động rất hiệu quả và góp phần giúp nền kinh tế ổn định trong 1 thời gian dài. Nhưng NĐ 24 lại khiến tình trạng chênh lệch giá vàng diễn ra nghiêm trọng hơn trong thời gian gần đây.


Vàng hóa nền kinh tế: lợi hay hại ?


Theo Thống đốc NHNN - bà Nguyễn Thị Hồng, từ năm 2014 đến nay, NHNN không đưa thêm vàng ra thị trường, vàng miếng trong lưu thông cũng được chuyển hoá sang vật liệu để phục vụ cho sản xuất trang sức, mỹ nghệ. Từ đó khiến cho nguồn cung bị giảm, các doanh nghiệp và tư nhân tích trữ vàng khiến cho giá vàng bị đẩy lên do cung thấp. Thực ra NĐ 24 vẫn hoạt động khá tốt trong khoảng thời gian trước đây và giữ giá vàng không quá chênh lệch, nhưng hiện tại khi mà thế giới xảy ra nhiều biến động: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Covid19, Nga - Ukraine,... khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, khủng hoảng,... người dân không dám đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và vàng lại nổi lên như một phương pháp tích luỹ tài sản ổn định, an toàn nhất và từ đó, hiện tượng “Vàng hoá nền kinh tế” được diễn ra.


Vàng hóa nền kinh tế lợi hay hại? Câu hỏi này được đặt ra từ khá lâu nhưng dường như chưa có câu trả lời thỏa đáng. Bởi vậy, cứ có cơn sốt vàng là nền kinh tế lại nhập khẩu thêm vàng để can thiệp, bình ổn giá vàng. Doanh nghiệp lại mang ngoại tệ ra nhập vàng, lẽ ra phải dùng để nhập nguyên liệu, hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng. Cho nên, nếu vàng hóa nền kinh tế càng cao thì nguy cơ thiếu hụt ngoại tệ lại càng lớn, gây sức ép phá giá tiền Việt Nam. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào về vàng có làm suy giảm vai trò tiền tệ của VNĐ, tuy nhiên khi có quá nhiều vàng miếng trong nền kinh tế (vàng hóa) có thể sẽ tạo ra trào lưu giữ vàng hơn là giữ tiền, nhất là khi lạm phát có xu hướng tăng cao. Lượng tiết kiệm có thể sử dụng được (nguồn cung tín dụng) của nền kinh tế giảm đi. Trong cung cầu vốn tín dụng trên thị trường tiền tệ, tình trạng vàng hóa nền kinh tế gia tăng sẽ dẫn đến lãi suất thị trường tiền tệ gia tăng, kéo theo nhiều hậu quả xấu.


Chính phủ nhập cuộc


Đứng trước tình hình giá vàng tăng và kinh tế bị “vàng hoá”, các cơ quan Chính phủ đã có động thái tham cuộc nhằm điều chỉnh các chính sách và kiểm soát tình hình kinh tế toàn quốc. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương cùng với đó là đề xuất thay đổi NĐ 24 về quản lý thị trường vàng. Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nói "sẽ triển khai ngay việc tăng cung vàng miếng" để giảm chênh lệch so với thế giới. Đối với NĐ 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, NHNN đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung và triển khai trong thời gian tới.


Tạm kết



Sau bài viết này, hi vọng các bạn đã hiểu thêm về các khái niệm vàng hoá nền kinh tế, sự chênh lệch giá vàng, nguyên nhân và hệ quả của nó và các chính sách liên quan. Trong bối cảnh toàn cầu đang tiếp tục đối mặt với những thách thức kinh tế và tài chính, vàng đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc hoá giải rủi ro và đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thực hiện vàng hoá cần được điều chỉnh và quản lý một cách cẩn thận để đảm bảo tác động tích cực và bền vững lên nền kinh tế.


- 𝑳𝒆̂ 𝑽𝒊𝒆̣̂𝒕 𝑳𝒂̂𝒎 -


---------------------------------------------------------

𝐁𝐀̉𝐍 𝐓𝐈𝐍 𝐒𝐈𝐍𝐇 𝐕𝐈𝐄̂𝐍 𝐍𝐆𝐇𝐈𝐄̂𝐍 𝐂𝐔̛́𝐔 𝐊𝐇𝐎𝐀 𝐇𝐎̣𝐂 𝐘𝐄𝐒𝐍𝐄𝐖𝐒

CLB Sinh viên Nghiên cứu Khoa học YES - ĐH Kinh tế Quốc dân.

Xem số báo mới nhất tại: https://yesneu.com/paper

Đăng ký nhận Yesnews hàng tháng: https://forms.gle/jFniU76nF7sipKEe7

Mọi ý kiến đóng góp xin liên hệ: yesnews.neu@gmail.com


-------------------------------------------------------------------------

𝐂𝐋𝐁 𝐒𝐈𝐍𝐇 𝐕𝐈𝐄̂𝐍 𝐍𝐆𝐇𝐈𝐄̂𝐍 𝐂𝐔̛́𝐔 𝐊𝐇𝐎𝐀 𝐇𝐎̣𝐂 𝐘𝐄𝐒 - trực thuộc Đoàn Thanh niên trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Phòng Quản lý Khoa học trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Địa chỉ: Phòng 121, Nhà 11, KTX ĐH Kinh tế Quốc dân

Fanpage: https://www.facebook.com/yesclubneu/

Website: https://yesneu.com/

Tiktok: https://www.tiktok.com/@yesclubneu

Email: yesclub.neu@gmail.com

Hotline: 085 9596919 (Ms. Yên Đan)

Bài viết cùng chuyên mục