YES TELLINGTháng 05, 2024

[YES TELLING] TÀI CHÍNH XANH VÀ ESG - KIM CHỈ NAM CHO DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

YESYoung Economics Scientists



Phần 1: Tổng hợp một số bài nghiên cứu cùng chủ đề.


Nền tài chính xanh đã và đang mở ra những cơ hội mới cũng như mang lại nhiều lợi ích cho chính các doanh nghiệp hiện nay theo mô hình phát triển bền vững. Phát triển tài chính xanh không chỉ góp phần khuyến khích phổ biến công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường mà còn giúp nâng cao triển vọng kinh tế.

ESG (Environmental, Social and Governance) là tập hợp các khía cạnh, bao gồm các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị của một doanh nghiệp. Chiến lược ESG là cách mà doanh nghiệp tích hợp các tiêu chuẩn ESG vào hoạt động kinh doanh của mình, nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả, tăng cường uy tín và tạo ra giá trị cho các bên liên quan.

Hãy cùng YES hiểu rõ hơn về chủ đề này thông qua bốn bài nghiên cứu dưới đây nhé!


Ảnh hưởng của nhận thức đến hành vi thực hành ESG trong hoạt động tại các ngân hàng thương mại Việt Nam - Lê Thị Kim Nhung, Lê Thị Thu Hiền

Tác giả: Lê Thị Kim Nhung, Lê Thị Thu Hiền

Năm xuất bản: 2023


Tóm tắt nghiên cứu

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của nhận thức đến hành vi thực hành ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) trong hoạt động tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Từ dữ liệu khảo sát 309 cá nhân đang làm việc tại các ngân hàng thương mại Việt Nam khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2022, thông qua đánh giá sự phù hợp của mô hình đo lường và kiểm định mô hình cấu trúc tuyến tính PLS-SEM. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh các yếu tố được đưa ra trong mô hình đều có tác động đáng kể theo hướng tích cực, đó là: (1)Nhận thức về Bảo vệ khách hàng có tác động tích cực đến thực hành môi trường, quản trị (E&G), (2)Nhận thức về Chống tham nhũng và (3)Nhận thức về Môi trường có tác động tích cực đến Thực hành Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), (4)Nhận thức về Quyền lao động có tác động đến Thực hành Môi trường (E). Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất một số khuyến nghị để nâng cao việc nhận thức và thúc đẩy việc thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng thương mại Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy tài chính bền vững. Để thu thập thông tin về nhận thức và hành vi thực hành ESG của cán bộ, nhân viên trong các ngân hàng thương mại Việt Nam, tác giả đã thiết kế bộ câu hỏi gồm 2 nhóm với 25 câu hỏi: nhóm câu hỏi điều tra mức độ nhận thức về ESG (14 câu); nhóm câu hỏi về hành vi thực hành ESG (11 câu). Thang đo được sử dụng là thang đo Likert 5 bậc. Thang đo về mức độ nhận thức có điểm từ 1- 5 tương ứng lần lượt là: 1- Hoàn toàn không đồng ý; 2 - Không đồng ý; 3- Bình thường/ Trung lập; 4- Đồng ý ; 5- Hoàn toàn đồng ý. Thang đo về mức độ thực hành có điểm từ 1- 5 tương ứng: 1- Không bao giờ; 2- Hiếm khi; 3- Thỉnh thoảng; 4- Thường xuyên; 5- Rất thường xuyên.Đối tượng khảo sát được xác định là các cán bộ quản lý, nhân viên đang công tác trong các NHTM tại Việt Nam và được phân chia làm 4 nhóm trải dài từ các cấp độ/vị trí công việc: nhân viên, cán bộ quản lý cấp trung (trưởng phòng ở các chi nhánh), cán bộ cấp cao (giám đốc chi nhánh/ trưởng ban ở hội sở chính) và thành viên ban lãnh đạo/ban điều hành ở hội sở chính.


Tổng quan nghiên cứu:

Tại Việt Nam, nhằm hiện thực hóa cam kết của ngành Ngân hàng với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, yếu tố ESG được thể hiện trong nhiều quyết định, chỉ thị và các văn bản khác nhau của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Ổn định để phát triển bền vững là mục tiêu mà hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam (NHTM) đang hướng tới. Theo báo cáo và khảo sát từ McKinsey & Company (Sarika Chandhok và cộng sự, 2022) cho biết, các NHTM Việt Nam có cơ hội doanh thu lớn liên quan đến các vấn đề ESG. Các nhà đầu tư tin rằng các doanh nghiệp nói chung và NHTM nói riêng chú trọng đến sáng kiến về ESG sẽ đem lại cơ hội về mặt lợi nhuận trong dài hạn tốt hơn so với các doanh nghiệp, các NHTM không chú trọng về ESG. Dưới sự hỗ trợ của Deloitte và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (European Investment Bank), báo cáo của Liên minh Toàn cầu về các giá trị của ngân hàng (Global Alliance for Banking on Value) cũng cho thấy những NHTM áp dụng tiêu chí ESG có kết quả hoạt động tốt hơn những ngân hàng không áp dụng (European Investment Bank, Global Alliance for banking on values, Deloitte (2019)). Mặc dù ESG là bộ tiêu chuẩn đang được áp dụng trên toàn cầu khá phổ biến, tuy nhiên với một thị trường mới nổi (emerging market) như Việt Nam thì ESG vẫn còn khá xa lạ. Đặc biệt, nhận thức về các nguyên tắc ESG tại các ngân hàng thương mại hiện nay còn khá mới mẻ và hạn chế. Việc thực hiện hành vi thực hành cần quá trình lâu dài, hơn nữa từ nhận thức đến hành động luôn tồn tại một khoảng cách. Để rút ngắn khoảng cách đó, đòi hỏi phải có thời gian và sự thấu hiểu trong nhận thức của mỗi nhân viên ngân hàng về ESG, qua đó giúp hiện thực hóa mục tiêu chiến lược của ngân hàng thông qua hành vi thực hành trong công việc của họ. ESG không chỉ là vấn đề danh tiếng mà thực sự gắn liền với sự tăng trưởng ổn định của các ngân hàng thương mại, gắn liền với sự phát triển bền vững và đạt được tài chính toàn diện. Chính vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của nhận thức đến hành vi thực hành ESG trong hoạt động tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Bài nghiên cứu gồm các phần: Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu; Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu; Kết quả nghiên cứu và thảo luận; Một số hàm ý đối với thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng.


Kết quả nghiên cứu:

Bài nghiên cứu đã chỉ ra rằng các yếu tố được đưa ra trong mô hình đều có tác động đáng kể theo hướng tích cực, đó là: Nhận thức về Bảo vệ khách hàng có tác động tích cực đến thực hành Môi trường, thực hành Quản trị (E&G), nhận thức về Chống tham nhũng và nhận thức về Bảo vệ môi trường có tác động tích cực đến thực hành Môi trường, thực hành Xã hội và thực hành Quản trị (ESG), nhận thức về Quyền lao động có tác động ngược chiều đến thực hành Môi trường (E).


Hàm ý và kiến nghị (có thể có hoặc không):

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất một số khuyến nghị để nâng cao việc nhận thức và thúc đẩy việc thực hành ESG trong hoạt động của các NHTM Việt Nam như sau: Thứ nhất, tăng cường nâng cao nhận thức trong việc thực hành ESG: Các NHTM tích cực phổ biến về tầm quan trọng của thực hành ESG cần phải được chú trọng, thông qua thảo luận, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức, xây dựng kế hoạch, chính sách và chiến lược đào tạo cho cán bộ, nhân viên, chú trọng vào cả chuyên môn và đạo đức, nhân viên khi được tuyển dụng cần đảm bảo trình độ chuyên môn và năng lực tốt, đáp ứng cho các yêu cầu trong giai đoạn phát triển ngân hàng, đặc biệt các vấn đề chống tham nhũng, quyền lao động, bình đẳng giới trong môi trường làm việc và hoạt động kinh doanh cần được đề cao, khuyến khích. Thứ hai, tích cực khuyến khích việc thúc đẩy thực hành ESG trong môi trường hoạt động của ngân hàng: Tăng cường nhận thức và thực hành trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng nhằm thúc đẩy các hoạt động theo hướng tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, thành lập các khóa huấn luyện về ESG cho toàn bộ nhân viên nhằm trang bị đầy đủ các kiến thức căn bản liên quan đến vấn đề môi trường, xã hội, quản trị (ESG). Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ các cấp: Nhân sự quản lý cấp cao, cán bộ quản lý cấp trung trong các ngân hàng cần đảm bảo trình độ chuyên môn và sự hiểu biết sâu rộng đến các chiến lược của ngân hàng, lĩnh vực và hoạt động kinh doanh, văn hóa, mục tiêu, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi của ngân hàng để đưa ra những kế hoạch và chiến thuật phù hợp cho phát triển ngân hàng bền vững. Cán bộ quản lý không chỉ thấu hiểu và gương mẫu thực hành ESG, mà còn phải là người truyền thông điệp, truyền cảm hứng và dẫn dắt nhân viên của mình thực hành ESG trong công việc của họ. Đối với thực hành môi trường: Cần kết hợp các hoạt động hàng ngày và các hoạt động liên quan đến chính sách phát triển trong hệ thống ngân hàng thông qua việc giảm sử dụng giấy, cung cấp các hoạt động ngân hàng thân thiện với môi trường như ATM và ngân hàng trực tuyến, thực hiện chính sách xanh để cải thiện hoạt động môi trường của ngân hàng. Ngân hàng cũng nên cung cấp các chương trình đào tạo cho cả nhân viên ngân hàng và khách hàng của họ để đảm bảo thực hiện đúng các hoạt động ngân hàng xanh, nhằm phát triển bền vững. Đối với thực hành xã hội và quản trị: Ngân hàng cần coi trọng các chính sách, quy định về bình đẳng giới và quyền lao động trong môi trường làm việc; chính sách về ngăn chặn tham nhũng và bảo vệ quyền lợi khách hàng. Trong phạm vi nghiên cứu, do hạn chế về điều kiện nghiên cứu, không thể điều tra trên quy mô tổng thể nhân viên, cán bộ hiện đang công tác tại các NHTM Việt Nam trên toàn quốc, do vậy quy mô mẫu còn nhỏ và chưa phân bố đều các nhóm nhân viên, cán bộ cấp phòng ở các chi nhánh, lãnh đạo cấp cao và thành viên ban điều hành của hội sở chính. Hướng nghiên cứu tiếp theo là có thể triển khai toàn diện hơn về các tiêu chí thuộc E-S-G với cỡ mẫu lớn hơn và mang tính đại diện cao hơn.


The role of ESG performance during times of financial crisis: Evidence from COVID-19 in China

(Tạm dịch: Vai trò của chỉ số ESG trong thời kỳ khủng hoảng tài chính: Bằng chứng từ COVID-19 tại Trung Quốc.)

Tác giả: David C. Broadstock , Kalok Chan , Louis T.W. Cheng , Xiaowei Wang

Năm xuất bản: 2021

Nguồn: Finance Research Letters - ISSN: 15446131


Tóm tắt nghiên cứu:

Nghiên cứu phân tích vai trò của chỉ số ESG trong khủng hoảng tài chính, cụ thể là trong đại dịch Covid-19. Bối cảnh đặc biệt này đã tạo ra cơ hội để đánh giá liệu nhà đầu tư có nhận định chỉ số ESG là một tín hiệu của hiệu suất cổ phiếu trong tương lai hoặc hạn chế rủi ro. Sử dụng dữ liệu tử chỉ số CSI 300 tại Trung Quốc, nghiên cứu cho thấy (i) những cổ phiếu có chỉ số ESG cao thường vượt trội hơn cổ phiếu có chỉ số ESG thấp, (ii) chỉ số ESG giúp hạn chế rủi ro trong khủng hoảng tài chính và (iii) vai trò của chỉ số ESG bị suy yếu trong thời gian bình thường và mạnh mẽ hơn trong khủng hoảng.


Tổng quan nghiên cứu:

Hiện nay, đầu tư ESG đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà quản lý. Các nhà đầu tư quan tâm đến đầu tư ESG vì 2 lý do. Đầu tiên, đầu tư ESG khuyến khích việc đầu tư có trách nhiệm. Thứ hai, đầu tư ESG ngày càng được đánh giá là giúp cải thiện hiệu suất của danh mục đầu tư, cải thiện lợi nhuận, và hạn chế rủi ro của danh mục đầu tư.

Những bằng chứng đầu tiên về lợi ích của đầu tư ESG có nhiều hướng khác nhau. Renneboog và cộng sự (2008) chỉ ra rằng các nghiên cứu gợi ý nhưng chưa chứng minh được rõ ràng rằng các nhà đầu tư SRI sẵn sàng chấp nhận giảm hiệu quả tài chính để theo đuổi các mục tiêu xã hội và đạo đức. Hartzmark và Sussman (2019) không tìm ra bằng chứng nào về việc các quỹ bền vững cao hoạt động tốt hơn các quỹ bền vững thấp, điều này củng cố thêm quan điểm rằng các nhà đầu tư đặt giá trị phi tiền tệ vào hoạt động đầu tư có trách nhiệm xã hội.

Những bằng chứng gần đây củng cố quan điểm các doanh nghiệp bền vững cao có rủi ro thấp hơn và vững chắc hơn trong thời kỳ biến động. Tuy nhiên, vai trò cụ thể của ESG trong khủng hoảng chưa được nghiên cứu nhiều. Lins và cộng sự (2017) nhận thấy các công ty phi tài chính của Hoa Kỳ có điểm ESG cao có hiệu quả tài chính tốt hơn các công ty khác trong giai đoạn này.

Tóm lại, tầm quan trọng của hiệu suất ESG giảm đi trong thời gian bình thường và được tăng cường trong thời kỳ khủng hoảng, nhất quán với khẳng định rằng các nhà đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc coi trọng chỉ số ESG là một tín hiệu về hiệu suất cổ phiếu trong tương lai và/hoặc giảm thiểu rủi ro.


Kết quả nghiên cứu:

Nghiên cứu cho thấy hiệu suất ESG có mối liên hệ tích cực với lợi nhuận tích lũy ngắn hạn của cổ phiếu CSI300 trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Nghiên cứu cũng đã minh họa bằng thực nghiệm khả năng phục hồi của các cổ phiếu có hiệu suất ESG cao trong thời kỳ khủng hoảng tài chính trên toàn thị trường, nhất quán với quan điểm rằng các nhà đầu tư có thể hiểu hiệu suất ESG là tín hiệu về hiệu suất cổ phiếu trong tương lai và/hoặc giảm thiểu rủi ro trong thời kỳ khủng hoảng.


Does Green Finance Policy Contribute to ESG Disclosure of Listed Companies? A Quasi-Natural Experiment from China

(Tạm dịch: Liệu chính sách tài chính xanh có ảnh hưởng đến việc công bố ESG của các doanh nghiệp niêm yết? Một thí nghiệm bán tự nhiên tại Trung Quốc.)

Tác giả: Changjiang Zhang, Sihan Zhang, Yue Zhang, Yuqi Yang, Kai Lan

Năm xuất bản: 2024

Nguồn: Sage Journals


Tóm tắt nghiên cứu:

Bài nghiên cứu được nhóm tác giả sử dụng phương pháp ngụy thực nghiệm tại Trung Quốc, kết hợp mô hình DID (difference-in-differences: một kỹ thuật thống kê được sử dụng trong kinh tế lượng và nghiên cứu định lượng trong khoa học xã hội) để làm rõ tác động và cơ chế của chính sách tài chính xanh trong việc cải thiện việc công bố ESG của các công ty niêm yết. Nhóm tác giả cho thấy mối tương quan tích cực giữa việc ban hành Hướng dẫn Xây dựng Hệ thống Tài chính Xanh bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và việc công bố chỉ số ESG của các công ty niêm yết. Bài viết cung cấp những hiểu biết cần thiết để tăng cường công bố hiệu quả thông tin ESG từ các doanh nghiệp và thực hiện các chiến lược chịu ảnh hưởng của chính sách tài chính xanh.


Tổng quan nghiên cứu:

Nghiên cứu xem xét tác động của Hướng dẫn Xây dựng Hệ thống Tài chính Xanh bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lên công bố ESG thực tiễn của các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải (SSE) và Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến (SZSE) trong thời kỳ từ 2006 đến 2022. Điều này đánh dấu Trung Quốc là nước sớm áp dụng hệ thống chính sách tài chính xanh tương đối toàn diện, đưa nước này trở thành quốc gia đi đầu trong các nền kinh tế toàn cầu. Hướng dẫn đã kiểm tra tác động này dựa trên các tính chất sở hữu và trình độ phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời đưa ra đề xuất triển khai dần dần và cải thiện hệ thống công bố bắt buộc về thông tin môi trường của các doanh nghiệp niêm yết. Chính sách tài chính xanh có thể là tiềm năng thúc đẩy các sáng kiến ​​thân thiện với môi trường và tạo điều kiện cho sự phát triển tốt hơn trong tương lai (Feng và cộng sự, 2022; Y. Liu và cộng sự, 2021). Ngoài ra, nó có khả năng giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giải quyết vấn đề khí hậu một cách hiệu quả (K. Q. Zhang và cộng sự, 2022), tối ưu hóa môi trường sinh thái (Ge và cộng sự, 2022), tăng cường tính tối ưu của việc sử dụng năng lượng (Peng & Zheng, 2021), hỗ trợ chuyển đổi và nâng cấp nền công nghiệp (Xiong & Sun, 2022). Tuy nhiên, tác động của chính sách tài chính xanh ở cấp độ doanh nghiệp vẫn chưa thật sự được chắc chắn. Một số học giả đã ghi nhận một tác động tích cực mối tương quan tuyến tính giữa chính sách tài chính xanh và hiệu quả hoạt động môi trường của doanh nghiệp (Abbas và cộng sự, 2021). Trong khi đó, một số học giả khẳng định rằng chính sách tài chính xanh có khả năng mang lại tác động tiêu cực đến CSR - Corporate Social Responsibility (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) (Sinha và cộng sự, 2021). Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã lập luận rằng điều này có thể xảy ra thông qua việc áp đặt các hạn chế tài chính, giảm sự phân bổ nguồn lực cho các sáng kiến ​​môi trường và đổi mới công nghệ (He và cộng sự, 2022).


Bài nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các yếu tố quyết định việc công bố ESG là rất quan trọng. Các nghiên cứu hiện nay chủ yếu tập trung vào việc kiểm tra áp lực từ bên ngoài ảnh hưởng thế nào đến việc công bố thông tin về môi trường của doanh nghiệp. Ví dụ như các quy định nghiêm ngặt về môi trường đã ảnh hưởng đáng kể đến mức độ công bố thông tin về môi trường (D. Wu & Memon, 2022; Y. Zheng và cộng sự, 2020). Trong khi quy định của chính phủ thường khuyến khích đổi mới xanh ở địa phương, điều quan trọng là phải thừa nhận rằng tác động thuận lợi này đi kèm với những bất lợi, cản trở sự tiến bộ trong việc đổi mới thân thiện với môi trường ở các khu vực lân cận (R. Ma và cộng sự, 2022). Các yếu tố đặc thù của ngành cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công bố CSR của các công ty niêm yết Trung Quốc (Dyduch & Krasodomska, 2017; Suarez-Rico và cộng sự, 2018). Áp dụng các hình phạt theo quy định về môi trường có thể ảnh hưởng tích cực đến việc công bố thông tin tự nguyện về môi trường của các công ty niêm yết (Ding và cộng sự, 2019). Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc đưa tin tiêu cực trên các phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng để tối ưu hóa việc công bố thông tin môi trường giữa các công ty giao dịch đại chúng.


Tóm lại, mặc dù có sự chú ý đáng kể về mặt học thuật dành cho việc kiểm tra những công bố ESG của các công ty và chính sách tài chính xanh, vẫn còn thiếu sót tập trung vào sự kết nối logic giữa hai điều này. Ví dụ, F. Wang và cộng sự (2019) tin rằng việc áp dụng chính sách xanh có thể không cải thiện việc công bố thông tin về môi trường của công ty, và hệ thống công bố thông tin về môi trường không thể truyền tải hiệu quả các tín hiệu ý nghĩa tới thị trường vốn. Vì lý do này, nghiên cứu này không chỉ lấp đầy khoảng trống về tác động của chính sách tài chính xanh đến việc công bố chỉ số ESG của các công ty niêm yết, mà còn áp dụng phương pháp thí nghiệm bán tự nhiên cùng mô hình DID để kiểm tra tác động của Hướng dẫn Xây dựng Hệ thống Tài chính Xanh lên chỉ số ESG của các công ty niêm yết.


Kết quả nghiên cứu:

Chính sách tài chính xanh có thể phát huy hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề bất cân xứng thông tin liên quan đến các yếu tố ESG trên thị trường vốn, từ đó làm giảm thiểu những thất bại của thị trường trong việc đưa ra quyết định đầu tư ESG và thúc đẩy sự phát triển của ESG được tiêu chuẩn hóa trong khuôn khổ công bố thông tin. Chính sách này cũng hướng dẫn các công ty niêm yết hướng tới việc áp dụng các thông lệ công bố ESG một cách nhất quán. Nếu không tuân thủ các quy tắc tiết lộ ESG bắt buộc của chính phủ thì có thể gây hậu quả pháp lý trực tiếp cho phía các công ty niêm yết. Ngược lại, việc công bố ESG một cách chủ động và tự nguyện cho phép các công ty giữ một hình ảnh tích cực trong mắt công chúng, tăng cường sự công nhận và có được tính hợp pháp, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của họ. Các công ty công bố hiệu suất ESG đối với các bên liên quan bên ngoài cũng có ​​trách nhiệm xã hội hơn như chủ động quản lý môi trường, lập kế hoạch doanh nghiệp, nắm được hiểu biết toàn diện về công ty được đầu tư bằng cách truy cập thông tin công khai có sẵn, cho phép họ đưa ra quyết định sáng suốt.


Hàm ý và kiến nghị (có thể có hoặc không):

Các cơ quan quản lý nên ưu tiên thành lập một hệ thống quản lý mạnh mẽ về việc tiết lộ ESG giữa các công ty niêm yết, bao gồm cả việc xây dựng các tiêu chí công bố ESG đã được tiêu chuẩn hóa. Về phía ngược lại, các công ty nên tích hợp khái niệm ESG vào chiến lược và văn hóa doanh nghiệp. Hơn nữa, họ nên kết hợp chất lượng công bố ESG vào hệ thống quản lý và kiểm soát nội bộ của công ty. 


The Effect of ESG Performance on Economic Performance in the High Profile Industry in Indonesia

(Tạm dịch: Ảnh hưởng của chỉ số ESG đến hiệu quả kinh tế trong các ngành công nghiệp nổi bật ở Indonesia.)

Tác giả: Mita Kurnia Yawika & Susi Handayani

Năm xuất bản: 2019

Nguồn: Journal of International Business and Economics


Tóm tắt nghiên cứu:

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức và áp lực để hoạt động một cách bền vững. Do đó, hiệu suất ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) ngày càng trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp. Hiệu suất ESG được đánh giá dựa trên các tiêu chí như bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp minh bạch.


Nghiên cứu này nhằm mục đích kiểm nghiệm ảnh hưởng của hiệu suất ESG đến hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp. Hiệu quả kinh tế được đo lường bằng các chỉ số tài chính như lợi nhuận, tỷ suất sinh lời, giá trị thị trường, v.v.


Tổng quan nghiên cứu:

Về lý thuyết các bên liên quan, vào năm 2010 Freeman và đồng nghiệp kết luận rằng Doanh nghiệp cần quan tâm đến lợi ích của các bên liên quan để đảm bảo hiệu quả và duy trì dòng vốn dài hạn từ cổ đông. Dahlberg & Wiklund (2018) tìm ta việc tối đa hóa phúc lợi ESG của các bên liên quan sẽ dẫn đến lợi ích tài chính cho cả doanh nghiệp và cổ đông. Theo Revelli & Viviani (2017) thì doanh nghiệp bỏ qua lợi ích cổ đông sẽ gặp rủi ro thất bại và mất vốn đầu tư.


Về lý thuyết hợp pháp, theo Syafrullah & Muharam (2017), việc tuân thủ luật pháp và quy chuẩn cộng đồng là yếu tố quan trọng cho sự tồn tại của doanh nghiệp. Brammer & Pavelin (2006): Hợp pháp hóa cộng đồng ảnh hưởng đến gánh nặng quy định và hình ảnh thị trường của doanh nghiệp liên quan đến môi trường. Fatima, Abdullah, & Sulaiman (2015): Doanh nghiệp cần minh bạch thông tin để giảm thiểu rủi ro và đạt được sự hợp pháp.


Về hiệu quả quản trị xã hội môi trường: Tích hợp các khía cạnh ESG vào chiến lược doanh nghiệp mang lại lợi ích về danh tiếng, niềm tin của khách hàng, tiết kiệm chi phí, tiếp cận vốn, quản lý nhân sự, đổi mới và quản lý rủi ro (Ferrero-ferrero và cộng sự, 2016).


*Hiệu suất kinh tế: Tarmuji, Maelah, & Tarmuji (2016) phát hiện rằng hiệu suất kinh tế đo lường khả năng phát triển và cung cấp lợi nhuận cao thông qua sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tăng doanh thu hoặc biên lợi nhuận, từ đó duy trì mối quan hệ tốt với các bên liên quan. Theo Friede, Busch, & Bassen (2015) và Devinney & Yip (2009), hiệu suất kinh tế có tính toàn diện hơn, xem xét hiệu suất tài chính và phi tài chính là cơ sở cho việc đo lường. Günther, Hoppe, & Endrikat (2011) chỉ ra rằng thị trường chứng khoán và dựa trên kế toán là hai phương pháp được sử dụng phổ biến nhất.


Ngành công nghiệp cao cấp:

Các ngành công nghiệp có uy tín cao được xác định là những ngành có độ nhạy cảm cao hơn đối với môi trường và xã hội (Hackston & Milne, 1996). Có sự khác biệt giữa các nghiên cứu trước đó về việc phân loại các ngành công nghiệp cao cấp (Rupley, Brown, & Marshall, 2012); (Hackston & Milne, 1996) và Kelly (1981) ủng hộ các nhận định trước đó rằng các ngành công nghiệp chính và ngành công nghiệp thứ hai thường tiết lộ nhiều thông tin hơn về môi trường và năng lượng so với các ngành công nghiệp thứ ba.


Kết quả nghiên cứu:

Nghiên cứu kết luận rằng hiệu quả môi trường và xã hội vẫn chưa được cả doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm đúng mức. Bằng chứng là việc thiếu minh bạch thông tin và các nỗ lực phát triển bền vững không phù hợp với khái niệm quản trị theo định hướng các bên liên quan (stakeholder management). Ngược lại, hiệu quả quản trị cho thấy tác động tích cực, mặc dù vẫn tồn tại những tín hiệu tiêu cực từ phía nhà đầu tư. Phù hợp với các nghiên cứu trước đây, quy mô của doanh nghiệp cũng có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kinh tế.


Hàm ý và kiến nghị:

Nghiên cứu này cho thấy tiềm năng của doanh nghiệp trong việc cải thiện hiệu suất bền vững theo hướng tích cực và phù hợp với mong muốn của các bên liên quan. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực và quản lý rủi ro hiệu quả hơn, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Các nghiên cứu tiếp theo nên tập trung vào việc áp dụng mô hình này cho các ngành công nghiệp cụ thể hoặc các chỉ số cụ thể có kỳ vọng tương tự từ các bên liên quan. Qua đó, có thể đánh giá rõ hơn ảnh hưởng của mô hình này đến hiệu quả kinh tế. Do nghiên cứu này chỉ ra mối tương quan yếu, việc sử dụng các proxy khác nhau cho biến hiệu quả kinh tế và các thước đo hiệu suất ESG (như các chỉ số uy tín) là cần thiết để có kết quả chính xác hơn.


Green Finance Policy and ESG Performance: Evidence from Chinese Manufacturing Firms

(Tạm dịch: Chính sách tài chính xanh và hiệu quả hoạt động ESG: Bằng chứng từ các công ty sản xuất tại Trung Quốc.)

Tác giả: Xiuli Sun, Cui Zhou, Zhuojiong Ga

Năm xuất bản: 2023

Nguồn: Sustainability 2023 - ISSN: 20711050


Tóm tắt nghiên cứu:

Nghiên cứu này sử dụng mô hình ước lượng khác biệt trong khác biệt (difference-in-differences - DID model) để kiểm tra tác động của chính sách tài chính xanh đối với hiệu suất ESG của doanh nghiệp. Bài viết đưa ra giả định rằng chính sách tài chính xanh thúc đẩy, làm tăng hiệu suất ESG của doanh nghiệp. Lấy kết quả dữ liệu từ các doanh nghiệp được niêm yết ở Trung Quốc năm 2013-2020, nghiên cứu đã chứng minh giả định của mình là đúng và chỉ ra hiệu suất ESG cao hơn chủ yếu là từ các doanh nghiệp với ít ràng buộc tài chính, các doanh nghiệp nằm ở khu kinh tế phát triển hơn, và các doanh nghiệp nhà nước (SOEs). Như vậy, bài nghiên cứu không chỉ đưa ra ảnh hưởng của chính sách tài chính xanh mà còn cho thấy mối quan hệ giữa ràng buộc tài chính và hiệu suất ESG của doanh nghiệp.


Tổng quan nghiên cứu:

Về các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định triển khai ESG ở doanh nghiệp: Lý thuyết các bên liên quan cho rằng các nhà quản lý doanh nghiệp phải đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan để tối đa hóa giá trị công ty (Freeman và cộng sự, 2004, Deng và cộng sự, 2013). Ngược lại, quan điểm của cổ đông cho rằng việc tham gia vào trách nhiệm xã hội gây ra chi phí cho cổ đông và làm tổn hại đến giá trị của cổ đông (Margolis và cộng sự, 2003, Garriga và Mele, 2004, Hasan và cộng sự 2018). Để hợp pháp hóa ESG trên cơ sở kinh tế hợp lý, nhiều nghiên cứu đã điều tra tác động của ESG đối với các công ty. Các tài liệu trước đây đã ghi nhận rằng ESG có liên quan tích cực đến hiệu quả tài chính của công ty (Tang, 2012, Hull và Rothenberg, 2008, Awaysheh, 2020, Cho và cộng sự, 2019). Các nghiên cứu trước đây cũng liên quan đến ESG với các khía cạnh khác nhau của công ty, chẳng hạn như giá trị công ty (Belh và cộng sự, 2022), giảm thiểu rủi ro (Godfrey và cộng sự, 2009), cơ chế bảo hiểm (Shiu và cộng sự, 2017) và khả năng tiếp cận tài chính (Cheng và cộng sự, 2014). Đã có các nghiên cứu về các đặc điểm của công ty, chẳng hạn như cơ cấu sở hữu (Oh và cộng sự, 2011) và quy mô công ty (Shu và Tan, 2023, Udayasankar, 2008, Fang và cộng sự, 2023, Sun và cộng sự, 2023), đã được chứng minh là rất quan trọng trong việc thực hiện ESG của công ty trong nhiều nghiên cứu. Giới học thuật cũng bắt đầu tập trung vào vai trò của quản trị doanh nghiệp trong ESG, bao gồm cơ cấu hội đồng quản trị (Fang và cộng sự, 2023, Liao và cộng sự, 2018), CEO kiêm nhiệm (Fang và cộng sự, 2023, Yuan và cộng sự, 2019), thành viên hội đồng quản trị nữ (Adams và Ferreira, 2009, Menicucci và cộng sự, 2022) và sự hiện diện của các giám đốc độc lập (Shu và Tan, 2023, Fang và cộng sự, 2023, Sun và cộng sự, 2023, Galbreath, 2016). Các nghiên cứu về ESG đã khám phá tác động của nguồn tài chính đối với các công ty. Một nghiên cứu của Hong và đồng nghiệp (2023) nhận thấy rằng việc bỏ qua tính không đồng nhất của hạn chế tài chính của doanh nghiệp có thể tạo ra mối liên hệ giả tạo. Nghiên cứu của Chan và đồng nghiệp (2017) xác nhận mối quan hệ tiêu cực đáng kể giữa hạn chế tài chính và hoạt động CSR. Một nghiên cứu khác của Tsai và Wu (2022) chỉ ra rằng thực tiễn trách nhiệm xã hội liên quan đến nhân quyền và môi trường có vai trò quan trọng trong giai đoạn khủng hoảng khi nguồn tài chính là hữu hạn. Triết lý cơ bản là việc phân bổ nguồn lực của công ty cho trách nhiệm xã hội không liên quan trực tiếp đến các bên liên quan chính có thể không mang lại lợi thế cạnh tranh bền vững (Hillman và đồng nghiệp, 2001; Crifo và đồng nghiệp, 2017). ESG bao trùm ba khía cạnh hoạt động của công ty và nắm bắt những nỗ lực của công ty trong việc giải quyết các tác động bên ngoài khác nhau mà nó tạo ra trong khi vẫn tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông không nội bộ (Liang và Renneboog, 2017).


Về tài chính xanh và ESG: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đầu tư vốn dài hạn và ổn định là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tiến hành sản xuất xanh (Yu và cộng sự, 2004). Tuy nhiên, sự phát triển xanh của một công ty bị hạn chế bởi nguồn tài chính (Yu và cộng sự, 2004; Andersen, 2017). Thiếu nguồn tài chính có thể gây trở ngại cho việc đầu tư vào công nghệ xanh vì hai lý do (Yu và cộng sự, 2004; Andersen, 2017). Quá trình chuyển đổi công nghệ xanh đặc trưng bởi "các tác động bên ngoài kép" do tạo ra sự lan tỏa kiến thức và sự lan tỏa về môi trường cùng một lúc (Hu và cộng sự, 2021; Rennings, 2000). Để giảm bớt những hạn chế về tài chính, cần có các chính sách công để thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế xanh (Acemoglu, 2016). Liu và cộng sự (2017) đã có kết quả mô phỏng cho thấy việc thực hiện chính sách tín dụng xanh tăng trung bình chi phí tài chính của các ngành sử dụng nhiều năng lượng 1,1% trong ngắn hạn, giảm 0,008% trong trung hạn và tăng 0,003% trong dài hạn. Nghiên cứu của Xu và cộng sự (2020) kết luận rằng tài chính xanh có tác động không cân xứng lên các công ty gây ô nhiễm nặng và tương đối các công ty sạch.


Kết quả nghiên cứu:

Các phát hiện cho thấy, trước hết, chính sách vùng thí điểm tài chính xanh năm 2017 đã có tác động đáng kể và tích cực đến hiệu quả hoạt động ESG của các công ty. Thứ hai, tác động tích cực tổng thể của chính sách tài chính xanh đối với hiệu quả hoạt động của ESG chủ yếu được thúc đẩy bởi yếu tố môi trường hơn là yếu tố xã hội và quản trị. Thứ ba, bằng cách sử dụng ước lượng mẫu con và phương pháp sai phân ba, kết quả thấy rằng hiệu suất ESG cao hơn chủ yếu là do các công ty gây ô nhiễm nặng, các công ty có ít hạn chế tài chính hơn, các công ty ở các khu vực kinh tế phát triển hơn và các doanh nghiệp nhà nước. Thứ tư, phân tích cơ chế cho thấy chính sách thí điểm cải thiện hiệu suất ESG của doanh nghiệp ngay cả khi nó làm xấu đi những hạn chế tài chính chung của họ.


Hàm ý và kiến nghị:

Do không đủ thông tin được công khai về hiệu suất ESG, vì vậy kết luận nghiên cứu không thể áp dụng được cho các công ty không có trong danh sách niêm yết nghiên cứu. Không những vậy, nghiên cứu cũng chỉ quan sát được tác động ngắn hạn của chính sách vì không có quyền truy cập vào dữ liệu tài chính xanh cấp công ty hoặc cấp khu vực chi tiết nên không thể xem xét cơ chế cơ bản một cách sâu rộng. Nghiên cứu này cũng đã cho thấy ràng buộc tài chính là một kênh quan trọng để cho thấy tài chính xanh tác động đến hiệu suất ESG của các doanh nghiệp, vậy nên việc xem xét một cách rộng hơn với dữ liệu thu thập thêm từ các doanh nghiệp các cấp để xem xét tác động dài hạn của chính sách là điều cần thiết.


------------------------------------------------------------------------------

𝐂𝐋𝐁 𝐒𝐈𝐍𝐇 𝐕𝐈𝐄̂𝐍 𝐍𝐆𝐇𝐈𝐄̂𝐍 𝐂𝐔̛́𝐔 𝐊𝐇𝐎𝐀 𝐇𝐎̣𝐂 𝐘𝐄𝐒 - trực thuộc Đoàn Thanh niên trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Phòng Quản lý Khoa học trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Địa chỉ: Phòng 121, Nhà 11, KTX ĐH Kinh tế Quốc dân

Fanpage: https://www.facebook.com/yesclubneu/

Website: https://yesneu.com/

Tiktok: https://www.tiktok.com/@yesclubneu

Email: yesclub.neu@gmail.com

Hotline: 085 9596919 (Ms. Yên Đan)

Bài viết cùng chuyên mục